Trong khi xem qua danh mục của bất kỳ chiếc xe mới nào, mọi người thường bắt gặp các thuật ngữ “Hệ thống chống bó cứng phanh” (ABS) và Hệ thống phân phối lực phanh điện tử (EBD) trong các tính năng an toàn. Hầu như tất cả chúng ta đều biết về các thuật ngữ như vậy nhưng chỉ một số ít biết chính xác ý nghĩa của chúng và cách chính xác chúng tăng cường bộ phận an toàn của một chiếc xe. Các tính năng này hiện diện trên một số loại xe từ các phân khúc xe hatchback, sedan, xe thể thao đa dụng (SUV) và xe đa dụng (MPV) tại thị trường nội địa.
Rất khó để đánh giá lực đạp phanh cần thiết để dừng khẩn cấp trong khoảng cách ngắn nhất có thể. Điều này là do thực tế không thể tính đến một số yếu tố khác nhau; như loại và độ gồ ghề của đường và lốp xe, và tình trạng của mặt đường. Do đó, trong trường hợp nghiêm trọng; người lái xe áp dụng quá nhiều hoặc quá ít áp lực lên bàn đạp gây ra các tác động nguy hiểm cho lái xe. Đọc tiếp những chia sẻ dưới đây của chúng tôi nhé!
Mục lục
Bạn biết về hệ thống phanh ABS?
Phanh ABS – tên đầy đủ Anti-Locking Brake System là một tính năng an toàn chủ động giúp hỗ trợ xe tránh hiện tượng bị bó cứng phanh. Hiện nay, đây là một trong các tính năng an toàn cơ bản, gần như được trang bị trên tất cả các dòng xe ô tô con.
Với hệ thống phanh thông thường, nếu phanh gấp khi xe chạy tốc độ cao, bánh xe rất dễ bị tình trạng bó cứng đột ngột do má phanh ghì chặt đĩa phanh. Đây chính là hiện tượng bó phanh ô tô. Hiện tượng này sẽ khiến lốp xe mất độ bám, bị trượt dài, dẫn đến các tình huống nguy hiểm như xe bị văng, xe bị mất lái…
Còn với xe được trang bị thêm hệ thống chống bó cứng phanh ABS, khi phanh gấp, hệ thống này sẽ giúp má phanh liên tục thực hiện thao tác kẹp/nhả đĩa phanh thay vì ôm ghì. Tốc độ quay của bánh xe giảm dần một cách an toàn thay vì dừng đột ngột. Điều này giúp lốp xe tránh được hiện tượng trượt dài, vẫn đảm bảo độ bám đường tốt. Đây chính là tác dụng của hệ thống phanh ABS.
Hiểu về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của thắng ABS
Thông tin về cấu tạo
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS trên ô tô có cấu tạo gồm: Cảm biến tốc độ: Cảm biến tốc độ (roto) được lắp ở bánh trước và bánh sau. Cấu tạo cảm biến gồm có nam châm vĩnh cửu, cuộn dây, lõi từ. Cảm biến này giúp nhận biết tốc độ xe và truyền tín hiệu cho bộ xử lý ECU.
Cảm biến giảm tốc: Cảm biến giảm tốc giúp hệ thống ABS đo được sự giảm tốc của bánh xe, từ đó có thể điều chỉnh áp suất dầu phanh hợp lý. Xe có 2 loại cảm biến giảm tốc là cảm biến đặt dọc và cảm biến đặt ngang. Cấu tạo cảm biến giảm tốc gồm có 2 cặp đèn LED và Transistor, đĩa xẻ rãnh, mạch biến đổi tín hiệu.
Bộ chấp hành phanh ABS: Bộ chấp hành thuỷ lực ABS có nhiệm vụ cung cấp mức áp suất dầu tối ưu nhất đến những xy lanh phanh bánh xe để chống tình trạng bó cứng phanh theo lệnh từ bộ điều khiển ABS. Cấu tạo bộ chấp hành phanh ABS gồm có van điện tử, bình tích áp, motor điện và bơm dầu.
Bộ điều khiển ABS: Bộ điều khiển này đóng vai trò là trung tâm điều khiển hệ thống phanh. Đây là nơi tiếp nhận thông tin về tốc độ ở các bánh xe, từ đó tính toán và ra lệnh cho bộ chấp hành phanh thuỷ lực cung cấp áp suất dầu phù hợp để chống tình trạng bó cứng phanh.
Nguyên lý hoạt động
Nguyên lý hoạt động hệ thống chống bó cứng phanh ABS trên xe ô tô như sau:
Cảm biến tốc độ lắp ở các bánh xe khi nhận thấy tốc độ quay của một trong các bánh xe chậm hơn mức quy định sẽ gửi tín hiệu đến bộ điều khiển ABS. Từ đây, hệ thống sẽ xử lý thông tin, tính toán và ra lệnh cho bộ chấp hành ABS cung cấp mức áp suất dầu phanh phù hợp.
Cụ thể ABS sẽ điều khiển cho mức áp suất dầu sẽ tăng/giảm liên tục để tạo ra quá trình nhấp/nhả liên tục giữa má phanh và đĩa phanh thay vì ghì chặt. Như vậy, việc hãm phanh vẫn diễn ra nhưng lại giúp tránh được hiện tượng bó phanh.
Hướng dẫn cách sử dụng phanh ABS
Hệ thống phanh ABS sẽ tự kích hoạt
Hệ thống phanh ABS có cảm biến tốc độ ở các bánh xe. Nhờ các cảm biến này mà hệ thống ABS sẽ tự kích hoạt khi người lái đạp phanh. Nói cách khác đây là hệ thống tự động, người lái không cần phải điều khiển.
Kiểm tra tình trạng hoạt động phanh ABS thông qua đèn báo. Người lái có thể kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống phanh ABS ô tô thông qua đèn báo phanh ABS trên bảng đồng hồ sau vô lăng.
Đèn báo ABS thường sẽ bật sáng khi khởi động xe và tắt khi sau khi xe chạy một lúc. Nếu đèn tiếp tục báo sáng hoặc nhấp nháy liên tục thì có nghĩa xe đang bị lỗi phanh ABS. Khi này hệ thống phanh xe vẫn hoạt động bình thường nhưng hệ thống ABS sẽ bị vô hiệu hóa. Do đó, nếu gặp trường hợp nên đưa xe đến trung tâm kiểm tra càng sớm càng tốt.
Hệ thống phanh ABS không có tác dụng rút ngắn quãng đường phanh. Nhiều người nghĩ rằng tác dụng phanh ABS là rút ngắn quãng đường phanh. Tuy nhiên, tác dụng chính của phanh ABS là giúp xe kiểm soát được hướng lái khi phanh gấp, hạn chế hiện tượng xe bị trượt, mất kiểm soát khi phanh gấp ở tốc độ cao.
Do đó, dù xe có thắng ABS thì người lái vẫn nên thực hiện đúng quy trình phanh như bình thường. Không nên ỷ lại vào thắng ABS mà phóng nhanh, vượt ẩu, phanh gấp. Thắng ABS chỉ hỗ trợ phanh xe an toàn hơn, không thể hoàn toàn tránh được mọi tình huống nguy hiểm.
Xe có phanh ABS không cần nhấn/nhả phanh
Với xe không có phanh ABS, khi đạp phanh gấp để tránh xe bị hiện tượng bó phanh, người lái sẽ thường phải rà phanh hay đạp nhấp/nhả phanh nhiều lần. Tuy nhiên với xe có ABS, người lái không cần phải thực hiện thao tác này, chỉ cần nhấn giữ phanh. Bởi hệ thống ABS đã thay người lái tiến hành thao tác này, thậm chí phanh ABS còn giúp nhấp/nhả phanh hơn chục lần trên 1 giây.
Khi phanh ABS hoạt động người lái sẽ cảm giác xe rung rung. Vì hệ thống ABS được kích hoạt, bánh xe sẽ hoạt động theo kiểu “dừng rồi lăn bánh” liên tục. Nên đôi khi xe sẽ cho cảm giác hơi rung rung. Đây là hiện tượng bình thường.
Chia sẻ cách chăm sóc, vệ sinh cảm biến phanh ABS
Cảm biến tốc độ bộ phận quan trọng trong hệ thống phanh ABS trên xe ô tô. Hệ thống phanh ABS có xử lý chính xác hay không sẽ nhờ vào thông tin truyền từ cảm biến. Nếu thông tin cảm biến sai lệch, hệ thống sẽ xử lý sai lệch.
Vì lắp ở hốc bánh xe nên cảm biến tốc độ dễ bị bẩn. Nếu cảm biến tốc độ bị bẩn hoặc gặp vấn đề, đèn báo lỗi phanh ABS sẽ bật sáng. Theo các nhà sản xuất ô tô, trong bảo dưỡng phanh ô tô không thể thiếu hạng mục vệ sinh cảm biến định kỳ. Điều này giúp đảm bảo hệ thống ABS được hoạt động chính xác. Vệ sinh cảm biến phanh ABS khá đơn giản, chủ xe có thể tự thực hiện tại nhà.
Chuẩn bị
Để vệ sinh cảm biến tốc độ ABS cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ sau: cờ lê số 10, kích ô tô, khăn sạch, tuýp mở bánh xe, cần siết lực…
Cách vệ sinh cảm biến phanh ABS
Bước 1: Tháo bánh xe và xác định vị trí cảm biến
Đầu tiên dùng kích nâng xe lên rồi nhanh chóng đặt đội kê vào. Lưu ý hãy kê thật vững trước khi tiến hành những bước tiếp theo. Sau khi tháo bánh xe, bạn hãy tìm vị trí cảm biến tốc độ ABS.
Vị trí cảm biến tốc độ ABS thường nằm ở phía sau phanh xe với xe dùng phanh đĩa cho toàn bộ 4 bánh. Với xe dùng phanh tang trống ở bánh xe sau, cảm biến ABS thường đặt ở hộp vi sai. Khi tìm thấy cảm biến, bạn đánh lái vô lăng xe về phía bên tài; nếu muốn quan sát cảm biến của bánh xe bên phụ dễ hơn. Thực hiện tương tự nhưng ngược chiều với cảm biến bên tài.
Bước 2: Tháo cảm biến ABS
Để tháo được cảm biến ABS, bạn cần tháo bu lông chân cảm biến và bu lông định vị dây cáp. Tổng cộng là 3 bu lông. Thông thường 3 bu lông này có kích cỡ 10 ly. Chỉ mở cảm biến khi chắc chắn đã tháo đủ 3 bu lông này. Bạn có thể sử dụng thêm loại vít dẹp nhỏ để tách chân cảm biến. Tuyệt đối không kéo dây cảm biến, bởi có thể làm hỏng cảm biến.
Bước 3: Vệ sinh cảm biến ABS
Sau khi đã tháo cảm biến ABS, bạn dùng khăn sạch để vệ sinh cảm biếm. Tuyệt đối không dùng nước hay chất tẩy rửa. Cảm biến tốc độ ABS khá dễ hỏng, vì vậy hãy vệ sinh một cách nhẹ nhàng.
Bước 4: Lắp lại cảm biến ABS
Sau khi vệ sinh, lắp lại cảm biến ABS về vị trí cũ. Khi lắp lại, bạn nên cẩn thận kiểm tra dây cáp cảm biến có trục trặc gì không. Nếu không có vấn đề gì thì có thể lắp bánh xe. Khi này, đèn báo lỗi phanh ABS có thể sẽ bật sáng trong vài ngày trước khi trở về tình trạng bình thường.
Nguồn: Danchoioto.vn